PHÂN BIỆT CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM

PHÂN BIỆT CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM
Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý khác nhau, tuy nhiên lại có những triệu chứng tương đồng nên rất nhiều người nhầm lẫn và nghĩ rằng hai bệnh là một.
1. Cảm lạnh
Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: Enterovirus, Coronavirus...
Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Người bệnh thường sẽ ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.
2. Cảm cúm
Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do chủng virus cúm A H1N1 và H3N2 gây ra.
Triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh cúm:
- Sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Viêm họng.
- Ho khan.
- Đau đầu.
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi và suy nhược.
Hội chứng đau là một dấu hiệu khá nổi bật của cúm, giúp phân biệt với cảm lạnh thông thường. Trẻ em bị cúm thường bị đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Cảm cúm gặp ở mọi đối tượng nhưng người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.
Bạn cần đi khám ngay khi có các triệu chứng dưới đây:
- Khó thở hoặc thở gấp;
- Môi đổi màu tím hoặc xanh;
- Đau tai;
- Đau dai dẳng hoặc có áp lực ở ngực hoặc bụng;
- Lú lẫn, chóng mặt, bất tỉnh;
- Co giật;
- Đau cơ nghiêm trọng;
- Suy nhược cơ thể nghiêm trọng;
- Sốt hoặc ho đã gần khỏi nhưng bị trở lại và trầm trọng hơn, có thể ho ra máu;
- Nôn mửa dữ dội.
Chính vì vậy người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm trên.
3. Điều trị
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh gây ra bởi virus nên không có thuốc đặc trị, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng làm dịu các cơn đau đầu, đau họng và ho, làm thông mũi và xoang., nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Cần điều trị biến chứng nếu không may có biến chứng xảy ra. Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ mắc cảm cúm, đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh như người lớn tuổi, trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
4. Phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm bằng cách nào?
Để phòng bệnh chung cho cả cảm lạnh thông thường và cúm mùa thì trước tiên cần phải nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng: nên ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau, hoa quả chứa nhiều vitamin C, cân đối các nhóm dưỡng chất (tinh bột, chất béo, chất đạm), uống đủ nước. Giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người bệnh. Tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
(2025-03-08 10:17:25) - HR
