CÁCH XỬ LÝ VÀ CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG HỞ
.png)
CÁCH XỬ LÝ VÀ CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG HỞ
Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày, con người khó tránh được các tình huống dẫn đến xây xát, hay vết thương hở, gây đau đớn, thậm chí nguy hiểm nếu không được xử lý đúng. Do đó, mỗi cá nhân cần trang bị những kỹ năng cơ bản trong nhận biết và sơ cứu vết thương để hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc.
1. Các bước sơ cứu vết thương hở
Sơ cứu vết thương hở giúp cầm máu, hạn chế mất máu quá nhiều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, quá trình sơ cứu vết thương cần lưu ý duy trì và hỗ trợ nạn nhân thở, lưu thông tuần hoàn, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Để thực hiện hiệu quả các vấn đề trên, cần thực hiện theo trình tự các bước sau:
Rửa tay
Vệ sinh sạch sẽ tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi thực hiện sơ cứu vết thương nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu có thể, nên sử dụng găng tay y tế để hạn chế tiếp xúc với chất dịch và máu của nạn nhân.
Cầm máu
Có thể dùng khăn sạch, băng hoặc gạc vô trùng ép nhẹ lên vết thương, giúp đẩy nhanh quá trình đông máu.
Đồng thời, nâng cao vết thương cho đến khi máu ngừng chảy.
Vệ sinh vết thương
Vệ sinh vết thương hở bằng dung dịch nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ các chất bụi, mảnh vụn nếu có, sau đó dùng khăn lau nhẹ nhàng. Nếu vết thương hình thành do sự tác động của các dị vật đã đâm sâu vào da, xương thì tuyệt đối không rút ra hoặc tác động lên chúng. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của bác sĩ có chuyên môn cao.
Băng bó vết thương
Thực hiện băng bó sau khi cầm máu giúp cho vết thương luôn được sạch sẽ, hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên cần lưu ý không nên băng bó quá chặt dẫn đến cản trở quá trình lưu thông máu hay gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
Thay băng
Băng vết thương cần được thay mỗi ngày hoặc khi xuất hiện bụi bẩn, ẩm ướt. Thay băng cũ và kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng ít nhất 1 lần/ngày. Khử trùng vết thương trước khi dán lại bằng băng dính hoặc gạc vô trùng.
Theo dõi tình trạng vết thương
Nếu quá trình sơ cứu, điều trị và chăm sóc vết thương không được tiến hành khoa học có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây hại đến sức khỏe. Do đó, không nên chủ quan khi vết thương hở xuất hiện những dấu hiệu nhiễm trùng sau:
Xuất hiện dịch vàng hoặc dịch có màu xanh lá, có thể kèm theo mủ và mùi hôi tanh khó chịu.
Tại vị trí vết thương có cảm giác đau nhức, sưng to và đỏ tấy.
Miệng vết thương có dấu hiệu thay đổi kích thước, triệu chứng sưng đỏ lan rộng sang các vùng lân cận. Hiện tượng đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi sử dụng các biện pháp giảm đau tại nhà.
Cơ thể người bệnh bắt đầu có hiện tượng yếu ớt, mệt mỏi kèm theo sốt.
Do đó, khi phát hiện vết thương hở đã bị nhiễm trùng, cần kịp thời sơ cứu và đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ, y tá có chuyên môn tiến hành điều trị.
Cách cầm máu sai lầm triệu người thường mắc
Dùng sợi thuốc lá, nhá búp chuối, búp ổi hoặc lá cây chó đẻ vẫn là những thói quen hay được người dân dùng để cầm máu nếu chẳng may gặp tai nạn. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Dân gian thường truyền miệng một số cách xử trí nhanh cầm máu : thuốc lá, nhá búp chuối, lá cây chó đẻ đắp vào vết thương để cầm máu hay đổ nước mắm lên vết bỏng, bôi các loại rượu ngâm,.. đây là cách làm hết sức nguy hiểm vì rất dễ gây ra các tổn thương nặng hơn. Nhẹ thì gây dị dứng, nhiễm trùng tại chỗ, nặng thì gây hoại tử chi hoặc nhiễm trùng máu đe doạ đến tính mạng.
Thực ra khi mạch đứt, máu chảy thì cơ thể chúng ta đã có cơ chế bảo vệ riêng. Thành mạch vùng đứt hơi co lại, cả hệ thống huyết mạch rúng động và kết thúc bằng sự tạo thành những sợi fibrin giam hãm các huyết cầu tạo ra một cái “nút” bít kín miệng vết thương. Khi bạn đắp bằng sợi thuốc lá, thuốc lào, nicotine của thuốc giống như tiếp sức cho mạch bị thương co thêm một chút. Tuy nhiên, nếu những “món” ấy không sạch thì cùng lúc chúng ta đưa vào vết thương hở một mớ vi khuẩn. Thế là vài ngày sau, vết đứt bị sưng, đau, và chúng ta lại mua kháng sinh về tiêu diệt chúng, hoặc chúng ta phải vất vả khi phải làm sạch vết thương bằng cách nhặt từng sợi thuốc lá dính khắp chiều dài vết thương. Máu đã đông lại, có những sợi sau khi được rửa bằng nước muối tự trôi đi, nhưng có những sợi bám sâu ở trong thịt lẫn với đất cát, dầu mỡ … khiến chúng ta rất vất vả để làm sạch trước khi băng vết thương.
Ngoài ra vẫn còn những nguyên nhân khác. Vết thương muốn mau lành cần collagen như là thành phần liên kết cơ trong cơ thể con người và cũng là giúp da đàn hồi tốt. Đắp thuốc lá vào vết thương làm bạn hụt đi một lượng collagen trong cơ thể và làm chậm quá trình lành vết thương.
Do đó, tuyệt đối không được tự tiện bôi hay đắp bất kỳ một loại lá hay thuốc dân gian nào vì có thể dẫn tới biến chứng như dị ứng, hoại tử vết thương, bội nhiễm, nhiễm trùng máu…
Và chú ý không nên sử dụng các loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường vì có thể khiến vết thương lâu lành và để lại sẹo.
(2023-07-18 09:27:53) - HR
